Cựu sinh viên Keuka khóa 2012 - Nguyễn Trọng Tấn

 

Chào các bạn,

 

Mình là Nguyễn Trọng Tấn, là Cựu sinh viên khóa 2012 của Chương trình Cử nhân Khoa học quản lý – chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế liên kết giữa Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM và Đại học Keuka (Hoa Kỳ).

Hiện mình đang công tác tại công ty ATOM S.P.A với vai trò Phó quản lý tại chi nhánh Việt Nam (ATOM VIETNAM Vice Manager).

Sau một năm trải nghiệm làm việc tại một công ty lớn, mình xin chia sẻ đến các bạn một số kinh nghiệm cá nhân như sau:

Kiến thức là quan trọng, nhưng không phải tất cả. Kiến thức phải đi chung với kỹ năng sống mới là hoàn hảo. Bản thân mình khi học không phải là người xuất sắc, GPA ra trường cũng chỉ ở mức 3.0 thôi, nhưng bù lại thì những kỹ năng mình học được từ đời sống lại bước đệm cho mình và kiến thức là bậc thang đưa mình tới thành công hôm nay. Vậy nên tuổi trẻ cứ hiến cả thanh xuân mà lăng xả, đi làm thêm, đi tình nguyện. Đừng mải ôm đống sách ở nhà mà hãy lăn ra đời để còn trải nghiệm, để bản thân phải bị vùi dập. Đó cũng là những kỷ niệm đẹp nhất của đời. 

 

Môi trường học và môi trường làm việc rất khác, nhất là khi các bạn có sự bức xúc. Khi học, bạn có thể phàn nàn với các thầy cô về những điều bản thân mình thấy bất công bằng và bất hợp lý. Thầy cô sẽ nghe và đưa ra hướng giải quyết thỏa đáng cho mình. Và trong trường hợp họ không giải quyết theo hướng bạn mong muốn thì các bạn cũng nên mừng là ít ra họ cũng lắng nghe mình 1 cách nghiêm túc. Còn đối với môi trường làm việc? Bạn hãy học cách ngậm bồ hòn làm ngọt, bơ đi sự đời mà sống vì chả ai giải quyết cho bạn đâu. Bạn càng lên tiếng, càng lèm bèm, người ta sẽ càng ghét bạn, càng đì bạn. Đời vốn lắm sự bất công.

 

Đừng chê sự quen biết từ những mối quan hệ xung quanh. Nếu có người giới thiệu bạn vào đâu đó làm, hãy chấp nhận, đó là cơ hội; và hãy làm bằng tất cả năng lực của mình. Vì khi làm việc, người ta sẽ đánh giá bạn bằng năng lực chứ không phải vì mối quan hệ. Nếu bạn chỉ dựa vào quen biết chẳng có năng lực thì thứ lỗi, chả ai xem trọng bạn.

 

Khi tìm việc, hãy cho cha mẹ biết. Khi có người offer, hãy cho biết luôn. Vì sao? Vì họ là người đi trước, trải qua nhiều rồi nên sẽ có con mắt nhìn và đánh giá đúng hơn đứa chưa nếm mùi đời là thế nào.

 

Ngành và Nghề nó khác nhau, nếu không phân biệt được thì đừng mơ tưởng đến tương lai màu hồng, công việc cao, lương chục triệu nha. Ngay cả môn học còn có nhiều mảng thì huống chi cái Nghề còn chia ra làm trăm phần.

 

- Có 2 nguyên tắc ngầm trong công sở:

1. Nếu bị sếp la vì 1 chuyện gì đó, cứ dạ vâng mà tiếp thu, đừng xụ mặt, đừng biểu lộ cảm xúc, đừng cãi. Vì cho dù gì đi nữa đó là sếp, nói 1 cách hoa mỹ thì sếp là người lớn tuổi, là người có kinh nghiệm; nhưng nếu nói hoạch tẹt ra thì sếp là chén cơm manh áo của mình, đá đổ đi thì lấy gì mà ăn?!  Nhưng trong 1 số trường hợp bắt buộc mình phải lên tiếng để bảo vệ quyền lợi và chính kiến của mình để bảo vệ quyền lợi bản thân và quyền lợi công ty. Nhất là trong cuộc họp, đó là thời gian vàng mà bạn lên tiếng nhưng không bị phản bác. Cứ dựa vào thông tin căn cứ mà lên tiếng, thật mạch lạc, rõ ràng và logic; đừng cãi cùn, đừng nói càn, và tuyệt đối đừng nói không thành có, đừng nói có thành không. Còn lại, thì tùy vào người sếp của bạn như thế nào mà ý kiến của bạn có được duyệt hay không.

 

2 . 1 trái tim nóng đi kèm với cái đầu lạnh.Trong thời gian làm việc thế nào cũng có uất ức xảy ra. Bạn khó chịu, bạn bức xúc, bạn có uất ức, thì hãy tâm sự với người thân, với người yêu nhưng tuyệt đối không được tâm sự với đồng nghiệp. Ngoài đời, ta phải biết học cách xã giao 1 chút. Trong 1 môi trường ta không biết ai xấu ai tốt, gặp người tốt, người thật thà, mọi chuyện sẽ rất tốt. Nhưng lỡ như trong 1 môi trường mà ai cũng có 1 suy nghĩ mưu mô nào đó, đấu đá nhau mà lên thì nên biết giữ suy nghĩ của mình trong lòng. Đừng để người ta nắm được cái chuôi dao mà đâm mình. Tam sao thất bản, mình 1 phút tâm sự mà nói ra điều A, nhưng khi qua tai nhiều người thì ý của bản thân mình sẽ hoàn toàn sai lệch.Yêu nghề, có trách nhiệm, có nhiệt huyết (trái tim nóng) nhưng phải biết nghĩ trước khi nói, đừng có phô hết tâm can cho cả thế giới này cùng biết (cái đầu lạnh).

 

- Đừng tỏ vẻ quá người ta ghét lắm.Nói chi xa, trong lớp học nếu có đứa chảnh chảnh, hay tỏ vẻ thì bản thân mình đã thấy ghét rồi thì trong công việc, trong đời sống cũng tương tự. Cứ thật thà, không gian trá, không tỏ vẻ, không lanh chanh, không “cầm đèn chạy trước ôtô”, nhưng phải biết khéo léo trong lời ăn tiếng nói để không đụng chạm ai.

 

- Khi làm 1 việc mà bản thân mình chưa nắm rõ, cứ mạnh dạn mà hỏi lại, đừng dấu dốt, đừng im lặng. Khi mắc lỗi và bị la, cứ mạnh dạn thừa nhận lỗimà rút kinh nghiệm, học từ cái lỗi đó. Đồng thời, không được làm việc mà bản thân biết là đó là làm hoàn toàn sai, là trái với luật, dù đó là do lãnh đạo chỉ đạo xuống. Hãy tâm niệm, thà nghỉ việc chứ không được nghe bất cứ ai mà làm việc sai trái. Bạn nên nhớ, khi đặt bút ký thì chữ ký của bạn rất nặng, làm trái với luật là bạn lãnh đủ trách nhiệm, không ai cứu bạn đâu. “Bút sa gà chết” là vì vậy. Đọc kỹ, trước khi ký. Tìm hiểu rõ vấn đề trước khi ký. Cảm thấy nghi ngờ, không ký.

 

Mong rằng những chia sẻ của mình sẽ giúp ích cho các bạn trên con đường xây dựng sự nghiệp. Chúc các bạn thành công!

 

Nguyễn Trọng Tấn – KEUKA Alumni Cycle 2012

Leave a comment